Lượt xem: 365
Long Phú tăng cường tiếng Việt cho học sinh mầm non và tiểu học trong vùng đồng bào Khmer
24/03/2021
Để thực hiện tốt Đề án “Tăng cường tiếng Việt cho trẻ mầm non và học sinh tiểu học vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2016 – 2020, định hướng đến năm 2025”. Trong những năm qua, ngành Giáo dục & Đào tạo huyện Long Phú đã nỗ lực đầu tư cơ sở vật chất, đội ngũ nhà giáo … cho các trường ở vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống.
Mục tiêu của Đề án là nhằm tập trung tăng cường tiếng Việt cho trẻ mầm non, học sinh tiểu học dân tộc thiểu số, chủ yếu là dân tộc Khmer, bảo đảm các em có kỹ năng cơ bản trong sử dụng tiếng Việt để hoàn thành chương trình giáo dục mầm non và chương trình giáo dục tiểu học, tạo tiền đề để học tập, lĩnh hội tri thức của các cấp học tiếp theo. Qua đó, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống và phát triển dân trí bền vững trong cộng đồng dân tộc thiểu số, đóng góp vào sự tiến bộ, phát triển của địa phương. Theo đó, huyện phấn đấu hàng năm tỷ lệ huy động trẻ em dân tộc thiểu số trong độ tuổi nhà trẻ từ 1 – 2%, từ 3 – 5% trẻ em trong độ tuổi mẫu giáo ra lớp. 100% trẻ em trong các cơ sở giáo dục mần non được tăng cường tiếng Việt phù hợp theo độ tuổi; 100% trẻ 6 tuổi người dân tộc thiểu số vào học lớp 1; 100% học sinh tiểu học người dân tộc thiểu số được tăng cường tiếng Việt; 100% cán bộ quản lý, giáo viên mầm non và giáo viên tiểu học dạy vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số được bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng, phương pháp, cách thức tổ chức hoạt động tăng cường tiếng Việt; được bồi dưỡng, tự bồi dưỡng tiếng dân tộc thiểu số tại địa phương để giao tiếp, giáo dục học sinh; 70 – 80% cơ sở giáo dục mầm non và tiểu học có học sinh cần tăng cường tiếng Việt được bổ sung cơ sở vật chất, đủ trang thiết bị, phần mềm, tài liệu, học liệu, đồ dùng, đồ chơi phục vụ dạy học; chuẩn bị tốt về thể chất, trí tuệ và tâm lý sẵn sàng đi học bảo đảm chất lượng để trẻ em vào lớp 1.
Chú thích ảnh: Long Phú trẻ em đồng bào DTTS gần 100% có kỹ năng cơ bản sử dụng tiếng Việt.
Để thực hiện đạt các mục tiêu trên, nhiều năm qua, ngành đã tăng cường công tác huy động trẻ em dân tộc thiểu số ra lớp. Nâng cao chất lượng tăng cường tiếng Việt trong các cơ sở giáo dục, nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên trong các trường mầm non và tiểu học có trẻ em dân tộc thiểu số … Với những giải pháp này, qua nhiều năm học cho thấy kết quả rất khả quan khi tỷ lệ trẻ em dân tộc thiểu số được làm quen với tiếng Việt ngày càng tăng, tỷ lệ trẻ có kỹ năng cơ bản trong sử dụng tiếng Việt để hoàn thành chương trình giáo dục mần non và chương trình giáo dục tiểu học đạt gần 100%.
Tin, ảnh: Sóc Ca.